Sống cùng con cháu trong không gian trong lành, thư thái là điều vô cùng ý nghĩa đối với những người cao tuổi
1. Đặc điểm tâm lý, sức khỏe và sinh hoạt của người cao tuổi
Người cao tuổi là những người từ 60 tuổi trở lên (theo luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2010). Khi bước sang giai đoạn tuổi già, ông bà, bố mẹ sẽ có sự thay đổi về mặt tâm lý, sức khỏe và thói quen sinh hoạt, ở mỗi người, sự thay đổi nhiều hay ít lại khác nhau. Một số đặc điểm thay đổi thường thấy về tâm lý, sức khỏe và thói quen sinh hoạt ở người cao tuổi là:
Cảm thấy cô đơn, muốn được quan tâm và dễ bị tủi thân
Bắt đầu đến tuổi nghỉ hưu, người già thường có tâm lý cảm thấy “không có việc gì để làm”, không được gặp bạn bè, đồng nghiệp thường xuyên như trước kia trong khi con cháu lại bận rộn với công việc, cuộc sống riêng của chúng. Do đó, người cao tuổi có cảm giác mình bị lãng quên, bỏ rơi. Và khi tuổi càng cao, sức khỏe càng giảm sút, không có nhiều cơ hội để trò chuyện với con cháu, giao lưu với bạn bè,… thì cảm giác tủi thân, cô đơn càng tăng nhiều lên.

Người già thích sum họp nên luôn mong muốn con cháu về thăm, về chơi, cùng quây quần bên những bữa cơm gia đình vui vẻ (Ảnh: Hachi Lily House)
Dễ bị trầm cảm và đa nghi
Người già có tâm lý muốn truyền đạt kinh nghiệm sống cũng như muốn con cháu làm theo khuôn phép, lễ nghi của thế hệ mình, điều đó xuất phát sự lo lắng, quan tâm đến con cháu. Tuy nhiên, do sự chênh lệch về khoảng cách thế hệ, nên điều này dễ gây ra những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình. Từ đó làm người già cảm thấy bị tổn thương, có thể trở nên trầm cảm nhẹ và đa nghi. Thêm vào đó, người già từ vị trí người chăm sóc gia đình trở thành người được chăm sóc nên tâm lý rất dễ bị tác động, có những suy nghĩ không tích cực.
Tâm lý hoài cổ, hướng về quá khứ
Người cao tuổi rất thích nhớ lại quá khứ, thích kể những chuyện kỷ niệm. Đặc biệt, nếu những ai sinh ra và lớn lên ở một vùng đất khác nhưng lại lập nghiệp và sinh sống tại nơi ở hiện tại thì có tâm lý nhớ về quê hương, cội nguồn, về ngôi nhà xưa kia…
Dễ bị ngã trong sinh hoạt hàng ngày
Về sức khỏe, do hệ thống gân xương yếu, chức năng thăng bằng, phản xạ của thần kinh giảm, nên người cao tuổi rất dễ bị ngã, gây ra các chấn thương lớn cho xương, da và các bệnh kèm theo hồi phục chậm hoặc khó hồi phục, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người cao tuổi.